Đức trị và pháp trị trong giáo dục mầm non

Dư luận xã hội gần đây bức xúc về vấn nạn bạo hành trong ngành mầm non với hàng loạt các clip về thực trạng đau lòng này. Từ Sở giáo dục Hà Nội hay các kênh truyền thông, mạng xã hội đã có nhiều bài viết, phóng sự nóng về vấn đề này. Đứng ở góc độ một người làm cha mẹ, làm giáo viên, làm quản lý của một ngôi trường xin được chia sẻ quan điểm.

Giáo dục mầm non ( Early Childhood Education) là giai đoạn đào tạo quan trọng nhất trong các bậc đào tạo của các nền giáo dục Quốc tế. Ở các quốc gia phát triển, giáo viên được đào tạo giống như đào tạo bác sĩ về thời lượng và chất lượng thực hành. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại.

Sau 15 năm kể từ ngày tốt nghiệp Đại học Sư phạm mẫu giáo, sau 10 năm làm việc tại hệ thống quốc tế SIS và Trường Liên Hợp Quốc khi nhìn nhận lại giáo dục mầm non vẫn trong một mớ bùng nhùng của những xoay vần về chương trình học và cải cách…Các bậc cha mẹ thì vẫy vùng trong mớ thông tin hỗn độn do thị trường truyền thông đem lại mà vẫn khó khăn khi tìm trường tốt cho con. Những điều này vô tình tạo cơ hội cho giáo dục ngoài công lập phát triển. Thương mại hóa giáo dục là tất yếu, khi thương mại hóa cũng có nghĩa sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn tốt hơn cho cha mẹ và các em bé nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho các nhà quản lý trong đó kèm theo những vấn đề về quản lý nhân sự sao cho có tài, có đức.

Bạo hành trong trường mầm non là một vấn đề nhức nhối không chỉ tổn thương cho các em bé, cha mẹ, mà còn là tổn hại lớn lao cho những người quản lý, những nhà đầu tư. Làm thế nào để loại trừ những rủi ro cho các nhà đầu tư? KHI NÀO cha mẹ có thể yên tâm gửi con vào các trường học hay những nhóm trẻ? BAO GIỜ các em bé được an toàn theo công ước quốc tế về quyền trẻ em?

Một xã hội hiện đại, giữa lòng thủ đô –
nơi không thiếu các nguồn thông tin mà phụ huynh, giáo viên, những người quan tâm đến giáo dục, những người làm trong ngành giáo dục vẫn phải bức xúc cực điểm khi thấy những hành vi bạo hành phi đạo đức đối với trẻ nhỏ. Gốc rễ của vấn đề nằm ở đâu?

GIÁO DỤC MẦM NON NHÌN TỪ GÓC ĐỘ ĐỨC TRỊ VÀ PHÁP TRỊ

1. Ở góc độ giáo viên

Giáo viên mầm non tại Việt Nam được đào tạo trong bối cảnh là
“người trông trẻ”, nhìn nhận của xã hội là “nghề trông trẻ”. Nhưng nó đúng ở góc độ nào đó. Những giáo viên mới ra trường mới chỉ 20-25 tuổi sẽ là “bố – mẹ” của một “đàn con” suốt 8 tiếng đồng hồ – Họ cần có điều kiệngì?
 Họ cần được hiểu về trẻ
 Họ cần sự giúp đỡ từ phụ huynh để giúp họ hiểu con mình. Khi đã hiểu được trẻ rồi thì làm việc với trẻ sẽ vô cùng đơn giản.
 Họ cần được cảm thông và chia sẻ những áp lực tâm lý trong quá trình làm việc từ phía những người quản lý trực tiếp và gián tiếp.

Giáo viên mầm non là nghề cực nhọc, các cô giáo phải làm việc quá 10h/ ngày thay vì 8h/ngày còn những công việc ít ai biết như: trực trưa, soạn giáo án tối, dự giờ, thao giảng, hội giảng, làm các hoc liệu …

Nếu được cảm thông và chia sẻ, đào tạo bài bản và chuyên nghiệp thì những vất vả ấy sẽ được giảm tải và đôi khi công việc trở nên dễ dàng hơn. Dễ lắm nếu hiểu trẻ, đơn giản lắm khi hiểu được các nguyên lý khi đưa vào giảng dạy trong cuộc sống, dạy trong trò chơi. Không nhất thiết chỉ giờ kỹ năng mới dạy trẻ kỹ năng, kỹ năng sống và thói quen hành vi phải được trải nghiệm và thực hành hàng ngày. Vì vậy, đừng mất công để làm quá trình đó trở lên phức tạp. Thay vì soạn giáo án dài hàng trang với hai cột: “ Cô làm gì- trẻ làm gì” hãy quan tâm tới thói quen và hành vi của trẻ. Lạ một điều là trong giáo án mầm non “ Trẻ làm gì” – cái đó chỉ là phỏng đoán. Giáo viên mầm non được đào tạo trong hệ thống cao đẳng và đại học còn như vậy, giáo viên đào tạo một cách vội vàng và chớp nhoáng thì sao họ hiểu để biết “ Làm nghề” cho đúng?

Những áp lực từ phía cha mẹ và người quản lý nếu không tháo gỡ được, không chia sẻ và giải quyết tận gốc rễ sẽ tạo thành “ bức xúc” không kiểm soát đối với giáo viên và nó vô tình bùng lên ảnh hưởng nhiều tới trẻ.

Bạo hành là một vấn đề nghiêm trọng không chỉ là thiếu kiểm soát cảm xúc mà còn là HÀNH VI ĐẠO ĐỨC. ở góc độ một con người sự khác biệt cao nhất của con người với những loài động vật khác chính là hành vi đạo đức. Làm nghề gì thì cũng cần cái Đức, cái đức trong giáo dục là hiểu nghề, hiểu mình và hiểu trẻ.

Đào tạo cần bắt đầu từ đạo đức với nghề , chữ “ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” . Từ hệthống đào tạo của nhà trường đến nơi làm việc với trẻ cần hơn nữa một tinh thần “ đức trị”.

Trong vạn vật hấp dẫn thì một môi trường tốt sẽ phát ra năng lượng tốt, thu hút nhiều điều tốt.

Mọi em bé có quyền được hưởng sự an toàn – Đây là quyền đầu tiên và là quyền tối thiểu dành cho trẻ.

 

2. Góc độ người quản lý – đầu tư thương mại lĩnh vực giáo dục

Người quản lý có nhìn nhận từ những áp lực công việc của nghề mầm non để sẵn sàng thiện chí giúp đỡ cộng sự- nhân viên của mình?

Xã hội phát triển, các dịch vụ giáo dục mầm non ra đời ồ ạt trong mấy năm trở lại đây, những đào tạo vội vã 3-6 tháng để hành nghề và kinh doanh chưa đủ để hiểu nghề. Người kinh doanh thương mại tính được bằng các con số học sinh và giáo viên mà chưa học cách kiểm soát rủi ro, rủi ro liên quan không chỉ là tài chính mà là pháp lý. Sự thật đau lòng, chính bản thân họ cũng không biết hoặc cố tình không biết những việc làm vi phạm về pháp lý (Trong phỏng vấn của VN Express cha mẹ em bé bị hành hung, bà mẹ trả lời về việc gia đình đến xin công an vào cuộc, khi đó người làm chủ mới hay biết sự tình)

Một ngôi trường tốt chưa cần quan tâm đến dạy phương pháp gì, trường to bằng chừng nào, camera có trực tuyến hay không mà sẽ bắt đầu từ mối quan hệ đặc biệt “ cô – trẻ”. Tư tưởng đức trị thông suốt và pháp trị làm cơ sở để trả lại quyền cho mọi em bé trên trái đất này.