Cơ sở Khoa học của Chương Trình

CƠ SỞ KHOA HỌC VỀ GIÁO DỤC SỚM

Khai mở và kích hoạt tiềm năng của bộ não trẻ em – căn cứ khoa học của lý luận giáo dục sớm.

Có nhiều cách diễn đạt về giáo dục sớm, tùy thuộc vào từng trường phái lý thuyết. Song dù lý thuyết nào cũng đều lấy kết quả nghiên cứu não bộ và cơ chế hoạt động của bộ não trẻ em làm cơ sở sinh lý – tâm lý cho lý thuyết của mình.

Các số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, bộ não trẻ phát triển rất nhanh thời kỳ từ hai đến ba năm sau khi sinh. Nếu lúc mới sinh bộ não thường nặng 350 – 400 g, bằng 25 % não của người lớn; thì trẻ 6 tháng bộ não đã lớn gấp 2 lần lúc sinh, chiếm tới 50 % não người lớn. Khi được 2 tuổi não nặng gấp 3 lần mới sinh, ước tính bằng 75 % não người lớn; khi được 3 tuổi là gần với não người trưởng thành, sau đó tốc độ phát triển chậm dần. Sự tăng trưởng về khối lượng của bộ não tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng về trí tuệ (hiểu theo nghĩa nhạy cảm và dễ tiếp nhận), song đến một độ tuổi nhất định lại tuân theo quy luật giảm dần đều. Nhà tâm lý học nổi tiếng Benjamin Bloom (1913-1999) của Đại học Chicago, Hoa Kỳ, sau nhiều năm nghiên cứu với hơn 1000 trẻ đã đưa ra kết luận chấn động giới khoa học “Nếu đến năm 17 tuổi, trí tuệ của mỗi con người có thể phát triển 100% thì vào năm 4 tuổi, trí tuệ của anh ta đã phát triển tới 50%, đến năm 8 tuổi phát triển 80%, trong 9 năm từ năm 8 tuổi tới năm 17 tuổi chỉ phát triển thêm 2%”. Như vậy, tốc độ phát triển của trí thông minh là không đồng đều, bốn năm đầu phát triển rất nhanh, bốn năm tiếp theo giảm dần tốc độ, và bốn năm sau nữa thì giảm hẳn.

Tuy nhiên, não phát triển nhanh không đồng nghĩa với thông minh, càng không đồng nghĩa với tài năng. Khối lượng não hay số tế bào não nhiều hay ít cũng chưa nói lên được điều gì chắc chắn. Khoa học đã chứng minh, sự thông minh của con người không nằm ở khối lượng bộ não hay số tế bào não, mà nằm ở sự phức tạp trong liên kết giữa các neuron thần kinh của não bộ. Nói một cách khác, sự thông minh nằm ở chất lượng não bộ, cụ thể là ở tốc độ thu nhận, xử lý, biến đổi thông tin. Vì thế, não to hay nhỏ chỉ là sự ngẫu nhiên và chất lượng các kết nối thần kinh mới là yếu tố quyết định. Bí mật của bộ não và cơ chế của sự thông minh nằm ở đây.

Đi sâu vào nghiên cứu, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng não – đặc biệt là não trẻ em – hoạt động theo cơ chế mềm, hay còn gọi là “tính dẻo của não” (neuroplasticity). Phát hiện ra tính dẻo của não được xem như là một sự đột phá trong khoa học thần kinh. Khám phá này chứng minh rằng não bộ có khả năng thay đổi, cấu trúc lại hoạt động và liên kết các neuron để đáp ứng với sự tương tác của môi trường. Do vậy, bằng một hệ thống các bài tập được thiết kế đặc biệt nhằm kích thích phát triển trí não có thể tăng cường nhanh chóng các kết nối thần kinh, qua đó các neuron kết nối mạnh hơn, nhanh hơn và tương tác hiệu quả hơn. Quan sát khoa học cho thấy trước 6 tuổi, đại não trẻ đã phát triển tương đối hoàn thiện và có “tính dẻo” cao nhất. Do đó, giai đoạn này là cơ hội tốt nhất để xây dựng cho trẻ nền tảng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, trong đó độ tuổi từ 0 đến 3 tuổi là lý tưởng nhất.

Một phát hiện quan trọng nữa của các nhà khoa học là về cơ chế hoạt động của hai bán cầu não.Trong một thời gian dài người ta cho rằng não phải và não trái hoạt động theo cùng một nguyên lý giống nhau. Nhưng rồi Tiến sĩ Roger W. Sperry, người Mỹ, giải Nobel năm 1981 về lĩnh vực sinh lý và y học, sau một loạt thí nghiệm đã khám phá ra bí mật của hai bán cầu não. Theo đó, bán cầu não trái có sở trường về ngôn ngữ và tính toán; bán cầu não phải có sở trường về các mặt kỹ năng khéo léo như: mỹ thuật, âm nhạc, lòng say mê (cảm xúc), óc thẩm mỹ…Việc hình thành và hoán đổi vị trí ‘”chủ đạo” của hai phần não trẻ cũng là một quá trình khá rắc rối và thú vị.

Quan sát thực nghiệm cho thấy, trong thời kỳ bào thai, não phải của con người đã được hình thành trước não trái. Khi sinh ra, trong ba năm đầu đời não trái chưa bắt đầu hoạt động tốt và não phải đóng vai trò là bên chủ đạo. Từ 3 đến 6 tuổi, vị trí chủ đạo của não phải dần chuyển sang não trái. Đến 6 tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Các thí nghiệm cũng cho thấy rằng bí mật của trí tuệ, tài năng chủ yếu nằm ở não phải. Điều này giải thích vì sao các nhà khoa học lại kêu gọi cần phải tận dụng kích hoạt não phải trong giai đoạn trước 3 tuổi, khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo. Theo họ, phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay mới chỉ tập trung vào một bên của não bộ đó là não trái, trong khi đó bên não phải mới chứa đựng hầu như toàn bộ những bí mật về trí tuệ và tài năng thì lại chưa được khai mở và kích hoạt đúng mức.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu những hoạt động tinh thần có ảnh hưởng như thế nào tới sự sinh trưởng và phát triển của não bộ, người ta đều rút ra những kết luận, về cơ bản, là khá tương đồng. Theo đó, cơ thể mỗi người vốn tích lũy tiềm năng to lớn thu được từ hàng ngàn hàng vạn năm tiến hóa, nhưng chỉ có thời kỳ mang thai và khi trẻ còn nhỏ mới là thời kỳ thực sự chứa đựng tiềm năng to lớn này. Không chỉ trẻ em, mà ngay cả với người lớn tiềm năng của bộ não cũng chưa được phát huy hết. Theo số liệu tính toán, hiện nay năng lực trí tuệ của người bình thường mới chỉ khai thác được từ 3% đến 10%, đa số các tế bào não vẫn ngủ quên, chưa phát huy được công năng của chúng.

Khai mở, kích hoạt não trẻ theo những phương pháp khoa học – sứ mệnh của các nhà giáo dục sớm

Thực tiễn cho thấy, trừ một số các nhà nghiên cứu, thực nghiệm mang tính chất khoa học thuần túy, thì phần lớn các nhà sinh vật học, tâm lý học, não học… cũng thường đồng thời là những nhà giáo dục học. Từ phát hiện có tính quy luật là trẻ càng nhỏ tuổi thì não càng linh hoạt, tốc độ tiếp thu càng nhanh và lượng thông tin tiếp thu càng nhiều, họ đã khuyến cáo rằng ngay sau khi sinh những neuron thần kinh của não bộ sẽ bắt đầu liên kết lại với nhau, nếu biết cách “đánh thức” và kích thích chúng sẽ liên kết nhiều nhất, ngược lại, chúng sẽ không liên kết và bị thui chột dần đi. Vậy nên, họ gọi thời kỳ từ 0 đến 6 tuổi là “thời kỳ nhạy cảm”, “thời kỳ vàng”, “thời kỳ một đi không trở lại”, “cửa sổ của những cơ hội”. Và giáo dục sớm, nếu nói gọn lại, thì chính là tận dụng mọi khả năng, cơ hội để khai mở, kích hoạt sự phát triển của não ở thời kỳ này, đặc biệt thời kỳ trẻ dưới 3 tuổi. Với những phương pháp ít nhiều có sự khác nhau, các nhà giáo dục trên thế giới đã thực hành khai mở, kích hoạt não trẻ, từ đó dần tạo nên những phương pháp, những lý thuyết, những “trường phái” giáo dục sớm mang bản sắc Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…Mỗi phương pháp, mỗi học thuyết, trường phái đều có lý do tồn tại của riêng nó, không cái nào phủ nhận cái nào.

Việc phân chia chức năng hoạt động của não phải và não trái, như đã nói trên, trên thực tế cũng chỉ là tương đối và không tránh khỏi có những trường hợp ngoại lệ. Ngay từ khi chào đời, không phải trẻ em đã được định sẵn sẽ thiên về não trái hay não phải. Chính cách giáo dục của cha mẹ và nhà trường sẽ tạo nên thế chênh lệch cho sự phát triển của hai bán cầu não. Não trái phát triển khi trẻ tiếp xúc với các chương trình giáo dục mang tính thuộc lòng, kiểm tra theo dạng có sẵn. Não phải phát triển khi trẻ tiếp xúc với các chương trình giáo dục mang tính sáng tạo, cảm xúc. Vì vậy các nhà giáo dục đã sớm khuyến cáo rằng: muốn phát triển trí tuệ cho trẻ, ngoài việc chăm lo về dinh dưỡng thì cha mẹ cần chú ý rèn luyện và phát triển đồng đều cả hai bán cầu não ngay từ giai đoạn con còn nhỏ.

Các nhà khoa học cũng đồng thời là các nhà giáo dục, cả phương Tây cũng như phương Đông, đã có những nhận định khá tương đồng về tính chất đặc biệt của não trẻ em cũng như sự cần thiết phải khai mở, kích hoạt những tiềm năng thiên bẩm của chúng. Ngay ở nửa đầu thế kỷ XX, Ivan Petrovich Pavlop (1849-1936), nhà sinh vật người Nga, ông tổ của thần kinh học cũng đồng thời là một tâm lý học nổi tiếng, người được giải Noben, đã có nghiên cứu rằng “95% tiềm năng phát triển của con người tập trung trong giai đoạn từ 0-5 tuổi, chỉ có 5% sẽ được phát triển trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời…”.  Đến nửa sau thế kỷ XX, hai giáo sư người Thụy Điển là Hiddink và Langal qua nhiều thực nghiệm, quan sát và rút ra kết luận: “Việc học tập ngay khi còn nhỏ không chỉ có tác dụng kích thích mà còn có khả năng làm thay đổi thành phần kết cấu của não bộ, làm cho các tế bào não phát triển phức tạp hơn lên, đồng thời tăng cường số lượng phân tử RNA trong tế bào não, từ đó có thể tạo ra những tế bào não có chất lượng cao, bồi dưỡng nên những con người thông minh vượt trội”.

Sau một thời gian làm việc ở Viện nghiên cứu Thành tựu Tiềm năng con người Philadenphia, Hoa Kỳ, tiến sĩ Glenn Doman (1919-2013) cho rằng: “Mọi đứa trẻ khi sinh ra đều có năng lực tiềm ẩn, thậm chí năng lực này còn nhiều hơn so với Da Vinci đã sử dụng trong cả cuộc đời. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một thiên tài, chỉ là chúng ta – cha mẹ và những người thân của trẻ, đã hủy hoại tiềm năng thiên bẩm đó trong 6 năm đầu đời của trẻ”. Theo ông, thì giai đoạn phát triển mãnh mẽ nhất của trẻ nhỏ là khoảng từ  0 đến 3 tuổi. Đó chính là lý do quan trọng nhất chúng ta cần giáo dục sớm, để không bỏ phí một khoảng thời gian vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé.

Ở châu Á, Kimura Kyuichi (1883-1977) nhà tâm lý học, nhà giáo dục học nổi tiếng của Nhật, người đặt nền móng cho việc giáo dục trẻ nhỏ ở Nhật trong công trình “Giáo dục sớm và thiên tài” nói rằng: “Năng lực tiềm ẩn của trẻ có nguyên tắc tăng và giảm, khi sinh ra trẻ có có 100% năng lực tiềm ẩn, nếu được giáo dục ngay từ đầu tiên chào đời, khi trưởng thành trẻ có thể đạt được 100% năng lực. Nếu được giáo dục từ lúc năm tuổi thì dù phương pháp giáo dục có xuất sắc đi nữa, khi trưởng thành trẻ chỉ có thể đạt được 80% năng lực. Nếu được giáo dục từ năm lên 10 thì dù được dạy dỗ tốt đến đâu chăng nữa, khi trưởng thành trẻ cũng chỉ có thể đạt được 60% năng lực, Giáo dục càng muộn, năng lực của trẻ càng giảm”.

                                                                             Sơ đồ Thuyết phát triển trí lực của  Shichida Makoto (Nhật Bản)

Một giáo sư khác người Nhật là Shichida Makoto, người đã chủ trương tiến hành một “cuộc cách mạng về giáo dục bán cầu não phải”, còn đưa ra một ví von thú vị: sự tăng tiến của trí lực giống như hình tam giác cân, lúc 0 tuổi phát triển nhanh nhất, chính là đáy của tam giác, lúc 8 tuổi chính là đỉnh của tam giác, trí lực không phát triển rõ rệt nữa, và sau đó, con người chỉ có thể phát triển kỹ năng và tri thức.

Giáo sư Phùng Đức Toàn, một chuyên gia hàng đầu về giáo dục sớm người Trung Quốc, cũng khẳng định những điều tương tự và ông còn có một cao vọng là”Chúng ta phải biến gánh nặng về dân số thành tài nguyên nhân tài vô tận, biến sự vất vả của việc nuôi dạy con cái thành niềm vui ngọt ngào của gia đình”. Và “Phương án 0 tuổi” do ông và nhóm cộng sự thiết kế được xem là phương tiện hữu hiệu nhằm đạt tới cao vọng ấy.

Viện nghiên cứu giáo dục trẻ thông minh sớm VSK