Cái gì mới là gốc rễ của giáo dục ?

“Tôi nghĩ điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp con ứng phó với một thế giới đang thay đổi, đầy rẫy những bất an là giúp cho con có được một niềm hạnh phúc và sự tự tin nội tại” (Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh – Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB “Sách ơi mở ra)

Có lẽ chưa bao giờ các bậc phụ huynh lại nuôi con trong một tâm trạng hoang mang như bây giờ. Nhiều người tỏ ra băn khoăn, trăn trở với một rừng các lý thuyết, các phương pháp giáo dục. Tiến sĩ nhìn nhận vấn đề này ra sao?
.
Trong những năm gần đây, có rất nhiều cuốn sách kinh điển về giáo dục trên thế giới được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như “Bí ẩn thế giới trẻ thơ”, “Trẻ thơ trong gia đình” của Montessori, “Emile hay là về giáo dục” của Rousseau, “Dân chủ và giáo dục” của Dewey, “Cơ cấu trí khôn” của Gardner…

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh còn được tiếp cận với rất nhiều phương pháp dạy con của người Nhật, người Pháp, người Do Thái, người Mỹ… Ngoài ra, trên các diễn đàn như Web trẻ thơ, Làm cha mẹ, các group về giáo dục, các ông bố bà mẹ cũng có thể tìm thấy vô vàn những kinh nghiệm của những ông bố, bà mẹ Việt đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Những thông tin này đã làm thay đổi nhận thức của bố mẹ ngày nay về trẻ con cũng như cách giáo dục trẻ con.

Bản thân tôi là phụ huynh vừa là giáo viên, có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều sách vở, phương pháp, thông tin về cách nuôi dạy con, đã có một thời gian dài tôi cảm thấy thực sự hoang mang. Lý thuyết nào cũng hay, cũng có cái đúng của nó. Tuy nhiên, mỗi lý thuyết lại có một cách lí giải rất khác nhau, thậm chí đối lập nhau về thế giới trẻ thơ, và đưa ra những cách giáo dục rất khác nhau.
Điều này thực sự khiến phụ huynh cảm thấy bối rối: để cho con tự đứng dậy khi ngã hay là an ủi chúng bằng sự quan tâm và lòng yêu thương; lờ đi những cơn khóc nhè ăn vạ hay là phải áp dụng hình phạt; kỉ luật hay không kỉ luật; để con lớn lên một cách tự nhiên hay là giám sát từng bước sự phát triển của trẻ; dạy con kiến thức hay kĩ năng…

Hơn nữa, chúng ta không dễ để có thể áp dụng những lý thuyết đó vào thực tiễn ở Việt Nam, khi các ông bố bà mẹ luôn bị kẹp giữa sức ép của xã hội. Đôi lúc, nhiều ông bố bà mẹ trẻ đã đi hết từ cực đoan này đến cực đoan khác, từ những thử nghiệm này đến thử nghiệm khác mà vẫn không tìm ra con đường nào phù hợp nhất với con của mình. Đứa trẻ, đôi khi, lại trở thành nạn nhân của tất cả những thử nghiệm mạo hiểm đó. Trong khi đó, chúng ta đều biết, chúng không thể sống lại tuổi thơ lần thứ hai.

Từ thực tế đó, từ lâu, có một câu hỏi mà tôi luôn băn khoăn:
 VẬY CÁI GÌ MỚI LÀ GỐC RỄ CỦA GIÁO DỤC?

 BỐ MẸ CÓ THỂ CAN THIỆP ĐẾN ĐÂU VÀO QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỰ NHIÊN CỦA MỘT ĐỨA TRẺ ?

 VÀ CÁI GÌ LÀ CÁI CẦN PHẢI BỒI ĐẮP TỪ THỦA NHỎ TRONG CÁC GIA ĐÌNH CŨNG NHƯ NHÀ TRƯỜNG TRONG QUÁ TRÌNH TRƯỜNG THÀNH CỦA TRẺ ?
Câu hỏi đó là những điều mà các nhà giáo dục, cũng như các bậc phụ huynh buộc phải suy nghĩ một cách nghiêm túc trước khi áp dụng bất cứ một phương pháp nào trong giáo dục trẻ.

Có rất nhiều đứa trẻ không những được nhồi nhét kiến thức mà còn trải qua hết lớp kỹ năng sống này đến lớp kỹ năng sống khác nhưng vẫn thiếu tự tin, thậm chí nhiều em tỏ ra chán ghét cuộc sống này vì có quá nhiều áp lực? Vậy người lớn chúng ta sai ở chỗ nào trong khi đa số đều cho rằng cho con đi học nhiều vì muốn con có tương lai tốt nhất?

Trong cuốn sách “Giáo dục và ý nghĩa của cuộc sống” của Krishnamurti, một nhà triết học nổi tiếng người Ấn Độ. Trong đó, Krishnamurti cho rằng:
“Sứ mệnh của giáo dục không phải là để tạo ra những kĩ sư, những nhà khoa học, những người nắm trong tay đủ mọi loại kiến thức, mà ý nghĩa sau cùng của giáo dục là khiến cho con người biết trân trọng sự sống, cảm nhận sự sống trong tổng thể, yêu mến đối với mọi sự sống trên thế giới này.”

Dạy trẻ biết yêu mến sự sống mới là gốc rễ của giáo dục. Bởi khi đó, nó sẽ cảm thấy hạnh phúc, và muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho mình và cho người khác. Đó là động lực bên trong để khơi dậy tất cả những tiềm năng bên trong của một đứa trẻ. Thiếu ý thức này, thì dù có tài giỏi đến đâu, nó cũng sẽ cảm thấy bất mãn, buồn bã và cô đơn.

CHA MẸ PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG CHO NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐANG LỚN LÊN TỪNG NGÀY TRONG MỘT THẾ GIỚI KHÔNG NGỪNG THAY ĐỔI VÀ ĐẦY NHỮNG BẤT AN ?

Cuộc sống ngày nay quả là nhiều thử thách và chúng ta không thể biết trước mười năm nữa, hai mươi năm nữa con cái chúng ta sẽ sống ra sao. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, dù mọi thứ có thay đổi, nhưng có một thứ vĩnh viễn không thay đổi, là con người cần được yêu thương, cần được tôn trọng cũng như con người phải yêu thương, tôn trọng mọi sự sống xung quanh mình.

Nếu đứa trẻ nào cũng được dạy từ tấm bé về sự yêu thương và tôn trọng sự sống, thì chắc chắn chúng sẽ sống với nhau trong sự vô tư, hồn nhiên thay vì cạnh tranh và giành giật lẫn nhau. Và đó mới là gốc rễ của sự phát triển bền vững.

 

Nguồn: ttvn